Ứng dụng CNTT trong thời kỳ khó khăn
Ứng dụng CNTT trong thời khó khăn là thời điểm để các DN tái cơ cấu mô hình hoạt động để tạo ra sức cạnh tranh mới khi kinh tế phục hồi.
Theo ông Nguyễn Lâm, các dự án đầu tư CNTT – VT tại Việt Nam không thể không bị ảnh hưởng bởi tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng bởi là một thị trường đang đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và nhờ việc triển khai ứng dụng các công nghệ mới như công nghệ viễn thông 3G, nên ngành này vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khả quan trong năm 2009. Bên cạnh đó, cũng theo ông Nguyễn Lâm, chính trong thời điểm khó khăn này cũng là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp tái cơ cấu mô hình hoạt động của mình, đẩy mạnh ứng dụng CNTT-TT để tăng năng suất, hiệu quả hoạt động và tạo ra sức mạnh cạnh tranh mới. Đó cũng chính là cơ hội lớn cho ngành công nghiệp CNTT-TT. Có rất nhiều cơ hội dành cho các doanh nghiệp: Đó là cơ hội tái cơ cấu và tập trung đầu tư để tạo sức bật mạnh hơn khi kinh tế phục hồi; là cơ hội ứng dụng các giải pháp CNTT-TT nhằm tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí… Nói thì đơn giản vậy, nhưng làm thế nào để có thể tái cơ cấu mô hình hoạt động, kinh doanh và triển khai ứng dụng CNTT-TT một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất lại không phải là một bài toán dễ giải. Thành công hay thất bại trong câu chuyện này phần lớn phụ thuộc vào tầm nhìn cũng như quyết tâm của lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp.
Trong các cơ quan Nhà nước, rõ ràng ứng dụng CNTT phải song hành cùng quá trình cải cách hành chính. Nhưng quá trình này thực hiện chậm chạp thì cũng khó lòng đòi hỏi ứng dụng CNTT có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng và triệt để. Mặt khác, ứng dụng CNTT để tăng hiệu quả và giảm chi phí như việc tổ chức hội họp truyền hình là việc rất nên làm, nhưng nếu làm không đồng bộ và tỉnh táo sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng các cơ quan nhà nước “làm theo phong trào” như đã từng hơn một lần diễn ra, điều đó vô hình chung lại gây ra một sự lãng phí hơn cả khi chưa ứng dụng CNTT. Vì vậy, hơn lúc nào hết vai trò của một “CIO quốc gia” (rất có thể là một cơ quan quản lý hoặc tham mưu) cần phải được đề cao hơn nữa. Với các doanh nghiệp thì có vẻ đơn giản hơn, khi những đồng tiền họ đầu tư là từ trong túi họ (phần lớn) rút ra nên chắc hẳn sẽ có sự tính toán, cân nhắc. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không có Giám đốc CNTT (CIO) hay một chức danh tương tự thì việc ứng dụng CNTT sao cho hiệu quả và tiết kiệm cũng không phải là một bài toán đơn giản.
Hơn nữa, theo một khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Năng lực Lãnh đạo của CIO (Mỹ), xu hướng của các CIO hiện đại đang chuyển mạnh từ lĩnh vực kỹ thuật sang vai trò lãnh đạo chiến lược và phát triển kinh doanh. Vì thế, để ứng dụng CNTT thực sự hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất cần lưu tâm đến xu hướng này để có sự điều chỉnh về mô hình hoạt động và lãnh đạo CNTT sao cho phù hợp. Tìm mô hình ứng dụng hiệu quả là cực kỳ quan trọng, nhưng tìm con đường đi tới ứng dụng CNTT-TT một cách nhanh chóng cũng quan trọng không kém, bởi trong kỷ nguyên số ngày nay, người chiến thắng nhiều khi lại là người có tốc độ nhanh nhất, nhanh về cả tư duy và hành động.
Nguồn: Sưu tầm.